Ước mơ được chinh phục nóc nhà
Đông Dương đến với tôi từ 6 năm trước và tôi đã quyết định lên đường khi tìm được
một người bạn có quyết tâm cao làm đồng hành. Khó khăn của tôi là đã gần 60 tuổi,
thuyết phục được chồng con không dễ. Mỗi người một câu, và tôi đã trưng ra những
bằng chứng hùng hồn nên mọi người chỉ còn cách cùng tôi chuẩn bị cho chuyến đi
mạo hiểm này.
Ngày 24/10, chúng tôi gồm có 3
người đã lên đường với tâm trạng không thể tuyệt vời hơn. Thành viên nhóm có
tôi, một bạn gái thế hệ 9X nặng 42kg với chiếc balo 8 kg trên vai và một chàng
trai thế hệ 8X đã một lần đứng trên nóc nhà Đông Dương.
Loanh quanh ăn sáng, cafe xong
xuôi, chụp ảnh kỷ niệm chúng tôi lên đường sau khi đã nai nịt gọn gàng và để bớt
đồ ở khách sạn. Dù đã biết rằng chỉ mang theo những thứ cần thiết, nhưng balo của
ai cũng quá nặng vì thấy thứ gì cũng cần thiết, nào máy ảnh, điện thoại, quần
áo ấm, nước uống, thuốc men, đồ ăn vặt... Đến cửa rừng đã 10h sáng, quá muộn
nhưng lúc này chúng tôi không biết là muộn nên vẫn rất hồ hởi.
Từ cửa rừng, công ty du lịch phát
thêm cho mỗi người 4 chai nước, một cuộn giấy vệ sinh, một bàn chải và kem đánh
răng nhỏ. Hành trang mỗi người nặng thêm 2,5 kg nên chúng tôi bỏ lại hai chai
nước. Chúng tôi lội qua vài con suối nhỏ có những viên đá kê sẵn cho khỏi ướt
giày. Vượt qua vài con dốc cao và khó khăn sẽ đến những nơi rộng đủ để dừng
chân nghỉ ngơi và tranh thủ tạo dáng chụp ảnh. Chưa khó khăn lắm nhưng một vài
người đã thấm mệt và tiếng thở rất gấp gáp... Người vác đồ (porter) khuyên đừng
thở như thế, nhẹ thôi kẻo không đi được... Tuy vậy, tinh thần chung là rất phấn
chấn, vừa đi vừa chuyện trò râm ran...
Gần 13h chúng tôi đến trạm 2.200
m, vừa đói vừa mệt, bữa trưa gồm cơm nắm, gà bản kho mặn, dưa chuột chẻ, xôi,
muối vừng, trứng gà luộc... Ăn xong có vài người định ngả lưng nhưng porter yêu
cầu lên đường ngay nếu không sẽ không kịp đến trạm 2.800 m trước khi trời tối.
Qua khỏi trạm 2.200 là bắt đầu
cho một chặng đường mới với bao thử thách không ngờ. Đây là đoạn đường đầy dốc
đá dựng đứng, có những điểm gần như không có chỗ đặt chân. Một thanh niên sẽ
trèo lên trước tìm chỗ đứng để kéo người khác lên. Đã thưa dần tiếng cười và
thay vào đó là những nhịp thở mệt nhọc. Mọi người lấy kẹo, bánh, chocolate, thuốc
tăng lực ra dùng và dặn nhau bước đi thật cẩn thận. Từ đây, chúng tôi bắt đầu
tách tốp. Nhóm tôi nhanh chóng bỏ xa nhóm kia vì tập trung vào leo và gần như
người nào cũng biết điều hòa hơi thở, giữ đều bước chân, không nghỉ quá lâu.
Chưa bao giờ trong đời tôi, trong
cùng một ngày lại nhận được nhiều nụ cười và những lời động viên, chia sẻ từ những
người không thân thuộc như vậy. Trên đường vào trạm 2.800 m, chúng tôi gặp các
bạn từ 2.800 m đi ra, họ đã chinh phục đỉnh từ sáng sớm và bây giờ đang trên đường
ra trạm 2.200 m. Thấy tôi họ đều rất ngạc nhiên, ai cũng tươi cười chào hỏi động
viên. Tôi nhớ mãi một bạn nhìn tôi và bảo: "Cô ơi, cố lên, nhưng cô phải cẩn
thận từng bước chân nhé, nếu sơ sẩy thì không ai có thể giúp được cô đâu. Trong
đoàn cháu có một chị bị bong gân và bây giờ đang phải tự "lết" xuống.
Cô đừng nghỉ nhiều sẽ mệt, chỉ dừng một chút là phải đi ngay". Tôi đã tự dặn
mình phải cẩn thận, nhưng khi bạn ấy nói không ai có thể giúp được cô đâu thì
dường như tôi thấy cần phải cẩn thận hơn.
Trên đường đi vào trạm 2.800 m,
do khởi hành muộn (10h sáng) nên khi gặp chúng tôi mọi người đang trên đường ra
đều hết sức ái ngại, sợ chúng tôi bị tối trong rừng. Có người còn nói thẳng: tốt
nhất là quay ra trạm 2.200 m ngủ để sáng mai đi sớm. Nghe vậy, nhóm tôi sợ quá
không dám nghỉ nhiều mà phải tăng tốc, chúng tôi đi rất nhanh, người nọ hỗ trợ
người kia.
Lết lát mãi cuối cùng nhóm tôi
cũng lên được trạm 2.800 m, nhưng đã quá muộn. Căn nhà gỗ ấm áp như công ty du
lịch hứa hẹn đã không còn chỗ chen chân dù chúng tôi đã cố gắng hết sức. Do khởi
hành quá muộn hoặc do công ty mà chúng tôi đăng ký đi không đặt được chỗ nên
chúng tôi phải ngủ ngoài trời trong một cái lều.
Tôi cố gắng tả cảm giác của cái
đêm ấy. Đầu tiên là cái lạnh tái tê của núi cao khi đêm về, không có những đợt
gió bấc ù ù nhưng cái lạnh của núi đá cứ thấm dần qua từng lớp áo đã bị mồ hôi
trên đường đi hoặc ngấm nước cơn mưa buổi chiều bạn vừa hứng khiến cho bạn có cảm
giác như bị ướp đá, răng đánh vào nhau cầm cập. Nhưng không sao, cái lạnh đó đã
được không khí tưng bừng, rộn rạo của hơn 200 con người có mặt ở trạm lúc đó đẩy
lùi bằng những tràng cười giòn giã, vui không tả xiết... Mọi người chào hỏi
nhau, vui mừng khi thành công gần như nắm chắc trong tầm tay, hẹn nhau sáng mai
cùng lên đỉnh tập thể... Sau một ngày leo núi mệt nhọc, việc cần phải làm bây
giờ là vệ sinh cá nhân, thay quần áo. Tuy không được ở trong ngăn nhà gỗ ấm áp
kia nhưng chúng tôi cũng được sử dụng nhà vệ sinh, tắm giặt miễn phí. Ngoài trời
lúc đó lạnh khoảng 5 độ, nước thì được lấy từ nguồn trên đỉnh núi xuống, trong
vắt và có nhiệt độ của đá tan. Tôi mở vòi lấy nước rửa mặt, chao ôi là lạnh, nhưng
nước lạnh làm cho tôi tỉnh táo. Nhưng khi bạn cần dùng nước cho việc rửa những
vùng da nhạy cảm thì đó là vấn đề khác, nước lạnh có cảm giác như dao cắt da thịt,
nhưng phải chấp nhận thôi.
Lần lượt mọi người làm vệ sinh cá
nhân và chúng tôi được bố trí nghỉ đêm trong một lều do các porter mới dựng
xong trên nền ruộng ẩm ướt. Tiếp đó họ sẽ trải một tấm bạt có độ dày của tờ giấy
A4 hoặc hơn một tý, đặt lên trên đó một cái khung khum khum đủ để cho bạn có thể
ngồi thẳng lưng ở chỗ cao nhất của đỉnh lều, sau đó họ lật tấm bạt lên lợp mái
và còn thừa thì để đóng cửa lều khi đêm xuống cho đỡ lạnh...
Trên đường đi có bạn đã cảnh báo
tôi là nếu không được nghỉ trong nhà gỗ thì ngủ ngoài lều sẽ rất lạnh, tôi chủ
quan trả lời nếu hết chỗ thì đành phải ngủ ngoài lều, mọi người chịu được thì
tôi cũng chịu được. Lúc đó tôi tưởng tượng đó là một cái lều dã chiến thường
dùng cho bộ đội nghỉ đêm hoặc chí ít cũng như cái lều trại.... Khi nhìn thấy thấy
cái "lều vịt" kể trên tôi cũng chưa thấy lo lắng vì tôi nghĩ còn túi
ngủ được quảng cáo là rất dày và ấm có thể chịu được cái lạnh -5 độ. Tôi xoa dầu
nóng cho chân tay và hầu như khắp cơ thể để giảm đau và chống lạnh. Chưa có cơm
tối để ăn dù trời đã nhá nhem tối, chúng tôi lại lấy bánh kẹo, phomai ra ăn cho
đỡ mệt. Được khoảng 10 phút, từ cảm giác ấm nóng của dầu gió tôi thấy như lên
cơn sốt rét, toàn thân run bần bật không thể nào kiềm chế được. Tôi chợt hiểu,
nằm trên nền đất này thì không thể trụ được qua đêm. Nếu cố nằm thì sẽ bị sưng
phổi hoặc cảm lạnh vì trời càng đêm nhiệt độ càng xuống thấp, nếu ngủ ngồi thì
mai sẽ không có sức để leo.
Tôi quyết định chuyển toàn bộ bạt
và túi ngủ vào hành lang căn nhà gỗ ấm áp kia để ngủ. Cả nhóm chuyển vào nhà với
sự phản đối của rất nhiều người đang ấm áp trong căn nhà gỗ vì ảnh hưởng đến họ.
Trước đó tôi đã đi vào từng phòng xin nghỉ nhờ nhưng đều nhận được những lời từ
chối. Cũng phải thôi, trong căn nhà gỗ có khoảng 8 phòng, mỗi phòng khoảng 12
m2, chiếc bục gỗ khoảng 8 m2 mà có phòng chứa 17 người thì chỗ đâu cho chúng
tôi nằm, dù là trên nền gạch... Nhưng đau đớn nhất là khi một porter thấy tôi
đã nhiều tuổi gợi ý rằng sẽ xin cho vào một phòng có khoảng 10 người để nằm nhờ
thì được một người đàn ông đã đứng tuổi từ chối. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị tổn
thương như vậy.
Chúng tôi đang rất hân hoan thì một
người đàn ông xuất hiện, hỏi sao lại vào đây. Chúng tôi trả lời ngoài kia lạnh
quá, không chịu được nên vào đây. Người này quát "không được, nằm đây sẽ ảnh
hưởng đến đường đi lối lại của những người trong nhà". Ông ta gọi porter
phụ trách chúng tôi ra quát mắng tới tấp... Tôi đi tìm người phụ trách và chui
vào một phòng ấm ngồi nhờ đợi kết quả đàm phán. 5 phút sau mở cửa nhìn ra thấy
đống túi ngủ và hành lý của chúng tôi biến mất. Tôi thét lạc cả giọng: đồ đạc
đâu rồi? Cậu porter cười tươi: các anh ấy dọn lên kia rồi cô ơi!
Theo tay chỉ tôi thấy cả nhóm
đang chui vào một cái mà tôi tạm gọi là chuồng gà. Nó là một cái lều bán mái có
cửa một người chui lọt, rộng khoảng 8 m2, nhưng nó ấm áp vì nó được kê cao cách
mặt đất khoảng 80 cm bằng các miếng ván cập kênh, mái của nó lợp bằng những tấm
tôn, mà sáng mai khi thức giấc bạn có thể thấy những giọt nước bám li ti phía
trên đầu. Lom khom từng người một chui vào lều, chúng tôi nhìn nhau cười sung
sướng. Hạnh phúc thật giản đơn. Đúng lúc đó, một người xuất hiện: Có thuê tấm
cách nhiệt không? Cả nhóm ồ lên: Không! Tôi quyết: Có! Bao nhiêu một tấm?
20.000 đồng! Ôi, quá rẻ cho một sự êm ái và ấm áp.
Cơm tối có người bưng đến tận miệng!
Ở đây nó thế. Bạn đã đóng tiền vào rừng bạn sẽ được phục vụ chu đáo nhất có thể.
Trời tối mịt, giơ bàn tay trước mặt còn không biết có ngón nào lành hay không
mà không có nến hay ngọn đèn nào để và cơm vào miệng. Nếu bạn cần, sẽ có điện
hình như 40.000 đồng cho một giờ, nhưng chúng tôi đã có cái đèn pin mà ông chồng
yêu quý nhất đời vì tính cẩn thận đã ném vào balo phút chót. Dưới ánh đèn pin
chúng tôi nhai bữa tối, cơm thì nguội, thức ăn không ngon, nhưng bằng kinh nghiệm
từng leo Fan, anh cháu rể tôi khuyên mọi người phải cố ăn kẻo đêm đói rất lạnh,
sáng mai không có sức.
20h chúng tôi ổn định chỗ nằm. Mỗi
người một túi ngủ, 6 người chúng tôi đủ cả: nam, phụ, lão, ấu nằm bên nhau như
người một gia đình. Chúng tôi cùng ôn lại những khó khăn vừa trải qua và dự kiến
cho chặng leo ngày mai. Lúc chiều, khi còn ở trong lều vịt tôi có trò chuyện với
mấy thanh niên nhóm khác thì các bạn ấy đều biểu đồng tình với tôi rằng quá sốc
trước chặng 2.200 - 2.800 m. Cuối cùng chúng tôi cũng hiểu ra rằng những đoạn
khó nhất tay còn bận bám vào rễ cây, mỏm đá mà leo, mỏi đến mức cơ tay run bần
bật, máy móc đã cho vào balo hoặc đã giao cho porter hết thì lấy đâu ra tư liệu
mà chia sẻ.
Đêm ấy, mọi người, trừ tôi đều
ngon giấc. Nửa đêm, nóng quá, có người còn gỡ tấm dán nhiệt ở lưng. Tuy nhiên,
cũng không phải là êm ả như chúng tôi tưởng: lũ chuột thấy hơi người ấm kéo đến.
Đầu tiên, chúng chạy đuổi nhau trên chân hoặc bụng chúng tôi, tất nhiên là bên
ngoài túi ngủ, sau đó là tìm chỗ ấm áp để chui vào. Ngủ nghê gì nữa, tôi vắt
tay lên trán và ra một quyết định đến giờ vẫn không thấy tiếc nuối dù vô cùng
tiếc nuối, đó là không tiếp tục lên đỉnh nữa. Tôi biết sức mình, hai chặng với
tôi là quá đủ cho thử thách ở tuổi này. Dẹp bỏ sĩ diện bản thân tôi quyết định
dừng lại, vì nếu tôi cố lên biết đâu khi xuống đã kiệt sức, sẽ rất khó khăn cho
bản thân cũng như mọi người trong nhóm. Nếu chẳng may vì không làm chủ được bước
đi mà trượt chân, bong gân, sai khớp thì xuống còn khổ hơn lên. Biết dừng lại
đúng lúc cũng là thành công, it nhất là cho bản thân mình. Quyết định xong, tưởng
rằng ngủ ngon, ai ngờ những tiếng sột soạt, chít chít làm tôi nghĩ đến cảnh bị
chuột gặm mũi tôi không ngủ được và chỉ chợp mắt đôi chút do quá mệt.
Công cuộc chinh phục Fansipan của
tôi dừng lại ở đây. Do có 3 người về nên có một porter xuống cùng, nếu ít quá bạn
phải ghép đoàn hoặc chờ những người lên đỉnh xuống và cùng về. Đường về chẳng
kém gian nan, đau nhức hết toàn thân. Những bước đầu tiên rời trạm 2.800 tôi tưởng
không đi nổi, đi dần dần cơ thể lại có vẻ quen, nên cũng đỡ. Mất 3 tiếng mới ra
đến trạm 2.200, sau đó mất thêm 3 tiếng nữa mới ra đến cửa rừng, nhìn lên đỉnh
Fansipan chìm trong mây mờ mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi khóc vì vui đã về
đến nơi an toàn, nhưng tôi cũng thoáng chút buồn vì đã phải từ bỏ giấc mơ hát
Quốc ca trên nóc nhà Đông Dương.
Phuot.vn